Bạn kết thúc câu chuyện, lũ bạn bên cạnh mặt lạnh tanh, giơ nách lên bảo mày cù đi, tao cười cái, hay quay sang bảo, mày có mang muối không? Bạn như muốn độn thổ phải không? Bao nhiêu lần thao thức để tập cách nói chuyện bớt nhạt. Bài viết này là dành cho bạn đấy.
Mặt nóng bừng, chắc đang đỏ gay. Mồ hôi tay đầm đìa. Giọng lạc đi như mếu máo. Không còn nhớ những gì đã chuẩn bị biến đi đầu sạch bách. Lắp bắp vài câu và ngồi thụp xuống. Đó là Gã, phiên bản 19 tuổi, trong lần đầu họp với Đoàn trường sau khi bất ngờ được chỉ định làm bí thư lâm thời.
Gã hiện tại, vừa kết thúc 4 chương trình livestream về tư vấn tuyển sinh với vai trò MC và nhận được câu hỏi: Anh chỉ em cách nói chuyện bớt nhạt với ạ?
Và đây là câu chuyện của Gã đã kể.
Học để trở thành nhà “biên kịch”- để nói chuyện sáng tạo hơn
Sau cái ngày tháng 10 năm 2001 trên kia, cảm giác thật tệ. Gã đăng ký tham gia CLB hiến máu nhân đạo của trường. Theo chân bà chị Thị Đào vào các phòng KTX để tuyên truyền.
Trong các khóa huấn luyện, các kịch bản được đặt ra: người được tư vấn bảo hiến máu xong béo thì sao? Em gầy thế này hiến máu làm sao được. Em bị bệnh truyền nhiễm (thái độ cười cợt)… vân vân và mây mây. Thi thoảng thì trúng tủ. Thi thoảng thôi nhé. Và sau mỗi lần đời không như mơ thì tự tích lũy thêm kinh nghiệm để truyền lại cho các đàn em vào sau.
Sau này khi đi làm, nghề đầu tiên Gã làm là tổ chức sự kiện. Tuy không được đào tạo nhưng kinh nghiệm từ những lần tổ chức chương trình văn nghệ ở trường đại học đã giúp Gã biết được cơ bản các công việc phải làm trong mỗi sự kiện. Ngày ấy việc viết kịch bản (gồm chương trình và lời dẫn cho MC) được dành cho cô đồng nghiệp.
Tuy nhiên, Gã và các anh em khác cũng phải học kịch bản để phối hợp cho nhịp nhàng và không để chương trình có sạn. Gã có thêm kinh nghiệm về cách vận hành của một ekip phía sau khiến cho mọi việc được diễn ra càng gần với dự kiến càng tốt.
Khi chuyển vào cơ quan hiện tại, Gã cũng được vài lần “chạy” một số chương trình được gọi là lớn, vài trăm khán giả. Những bản thảo kịch bản được sửa đi sửa lại nhiều lần trước giờ diễn, từng chi tiết được cân đong đo đếm để mọi việc diễn ra trơn tru.
Đứng sau cánh gà luôn tạo cho Gã một niềm vui khôn tả.Khi không còn làm công tác phong trào nữa, Gã tiếp tục biên kịch cho cuộc sống hàng ngày của mình trong tâm trí, trên quãng đường đi làm. Quãng đường càng xa, thời gian càng lâu, càng nhiều kịch bản. Kịch bản để trả lời khách hàng của mình trong thư đêm tối hôm trước.
Kịch bản về mặc cái gì trong buổi hẹn hò tối nay và nếu bị hỏi sẽ giả nhời như thế nào, mà giờ hay nói kiểu, cho nó ngầu.
Kịch bản để thuyết phục sếp đồng ý với đề xuất của mình.
Kịch bản nịnh nọt để cô công chúa đang giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba không nằm lăn ra sàn trước giờ đi học.
Phải nghĩ trước đấy. Kịch bản với Gã chỉ đơn giản thế thôi, là cách mà mình nghĩ về những gì sắp diễn ra. Nhưng phải để ý đến những thứ xung quanh để mọi thứ hoàn hảo.
Trước 27 tuổi, các kịch bản của Gã đa số là bị cháy. Vì các kịch bản đó là toàn do Gã TỰ NGHĨ. Và tất nhiên, nó toàn được viết theo hướng có lợi cho Gã nhất.
Sau 27 tuổi, các kịch bản bớt lạc quan tếu và cũng có tỷ lệ thành công cao hơn. Thành công đơn giản là bình tĩnh xử lý những thứ ngoài kịch bản tốt hơn, phần vì kịch bản cũng có nhiều phương án lựa chọn hơn, phần vì các cái kết của kịch bản dựa trên thấu hiểu các NHÂN VẬT nhiều hơn và phần vì bớt kỳ vọng hơn.
Đấy.
Làm biên kịch dễ ẹc. Chỉ có điều, kịch bản chưa bán được thôi.
Học để biết chụp ảnh – để dự báo tốt hơn
Bạn có thấy liên quan không?
Bạn dừng lại một chút.
Nhẩm lại trong đầu bạn xem, có bao nhiêu người quen của bạn biết chụp ảnh mà không là vựa muối?
Trong khi việc trở thành nhà biên kịch như ở trên giúp Gã va chạm nhiều hơn với các tình huống giả định trong cuộc sống, dự báo được nhiều hơn các biến cố có thể xảy ra thì chụp ảnh yêu cầu Gã phải ra quyết định gần như ngay lập tức cho mỗi lần bấm máy.
Việc cầm máy cũng giúp Gã học được cách quan sát và dự đoán được nhiều hơn, vì xét cho cùng, nhiếp ảnh là nghệ thuật của KHOẢNH KHẮC.

Bạn quen bạn thử hỏi mà xem, mỗi lần đi chụp là bao nhiêu tính toán dùng len nào khi đi chụp, chụp trong nhà hay ngoài trời, có phải đi mượn thêm thẻ thêm pin không…
Mỗi lần đi chụp là phải thử xem mẫu này chụp góc nào đẹp, mặc trang phục này thì phải đứng tránh chỗ nào, đôi khi còn phải tính toán để không bị thằng khác đi chụp cùng nó chửi vì đứng ngu.
Tổng hợp của những điều ấy, giúp bạn quan sát mọi vật tinh tế hơn và khi đã hiểu được NHÂN VẬT của mình thì bạn có tới 70% phần thắng rồi.
Hiểu nhân vật cũng giúp bạn không đi quá giới hạn của mặn mòi và bước sang phía bên kia của vô duyên.
Học đọc để luyện cách nói chuyện bớt nhạt
Gã thì có cả trăm kiểu cho việc này. Đang đi xe đọc biển quảng cáo này. Đi ăn tiệc thì cầm menu lên đọc to này. Đọc to truyện thiếu nhi ngắn này. Khi xem chương trình thì soi các anh chị MC này. Đọc một đoạn văn ngắn với nhiều giọng điệu này.
Tập đọc truyện ma, hoặc thậm chí là cả giọng đọc trong đám hiếu. Tất cả chỉ để rèn luyện cho âm lượng, ngữ điệu của mình được mượt mà và khi BUÔNG phát nào, chuẩn phát đấy. Ngữ điệu rất quan trọng đấy. Gã thấy có nhiều bạn kể chuyện rất buồn cười nhưng khi sau khi kết thúc câu chuyện, chả ai cười. Khi ấy thật ngượng phải không?
Chắc do chưa biết THẢ giọng thế nào cho hợp. Thêm nữa là cũng phải đọc nhiều truyện cười và các câu chuyện, câu nói thời thượng để khi cần dùng là có sẵn ngay hoặc chí ít cũng không phải rơi vào cảnh ngơ ngác không hiểu những người xung quanh đang nói gì.

Sách:Bí quyết đọc sách 2000 từ/phút
Và… cướp Mic – để nói chuyện trở thành thói quen
Những thứ rèn luyện trên kia sẽ chả là gì nếu bạn không thực hành và thể hiện chúng.
Bạn đừng mãi viết kịch bản trong tâm trí một cách xuề xòa. Hãy biến nó thành những sự kiện thật trong cuộc sống của bạn.
Bạn đừng mãi tập đọc một mình trước gương, bạn phải quăng mình vào các ngữ cảnh để thấy mình cần phải hoàn thiện gì.
Bạn đừng mang những quan sát tỉ mỉ, những thấu hiểu tường tận nhân vật trong im lặng về nhà.

Hãy để những thứ ấy được NÓI
Gã thì đã cầm cái menu trên bàn tiệc và đọc với giọng điệu của anh Ngạn cho các quý khách cùng bàn của Gã.
Gã thì đã nhấn nhá từng chữ thể hiện sự tinh nghịch khiến người khác phải nắc nẻ.
Hoặc chỉ đơn giản là người đầu tiên bắt nhịp bài happy birthday với tốc độ gấp đôi…
Tất nhiên, Gã không khuyên bạn nhảy vào cổ họng người khác mà ngồi-như-Gã-đã-từng.
Thực ra, làm gì cũng vậy thôi, nếu thích thì tìm cách, không thích thì tìm cớ.
Mỗi ngày thêm một ít muối vào chính bản thân bạn thì chẳng mấy chốc, cá ở cạnh bạn cũng chẳng thể ươn nổi vì còn mải cười.
Khi bạn làm được người khác cười, Gã tin, bạn cũng vui. Phải không?
Nếu bạn thử những cách nói chuyện bớt nhạt Gã đã thử, hãy cho Gã biết nhé, để Gã vui cùng bạn.