Với cá nhân mình, cách học hiệu quả là cách học đạt được hai mục tiêu: một là, thu nhận được một kỹ năng, nâng cao hiệu quả làm việc; hai là giảm tối đa chi phí của khóa học.

Thông thường mỗi năm, mình sẽ chọn ít nhất 1 khóa học để nâng cao một kỹ năng nào đó của bản thân hoặc giúp cải thiện tốc độ làm việc. Các khóa học mình chọn khá đa dạng về hình thức: từ các khóa học video miễn phí, có phí; học theo nhóm, học 1:1. Trước khi lựa mình thường lựa chọn dựa trên 4 tiêu chí:
1. Khóa học này có giúp cải thiện được hiệu suất công việc không?
2. Giảng viên có cộng đồng tốt không?
3. Mình có thể chia sẻ lại kỹ năng này cho những người khác không?
4. Khóa học này có chương trình tiếp thị liên kết không?
Khi khóa học thỏa mãn được các tiêu chí trên, khóa học sẽ mang lại cho mình những giá trị cụ thể và cũng vì đó mà động lực học hành cũng cao hơn vài phần.

Khóa học hiệu quả giúp giải quyết được các vấn đề trong công việc
Đây là bước đầu tiên trong hành trình tìm kiếm khóa học của mình. Khi công việc gặp khó khăn hoặc mình muốn cải thiện tốc độ làm việc, mình sẽ tìm kiếm các khóa học hướng dẫn các kỹ năng, công cụ để cải thiện.
Ví dụ, năm 2020, khi phải xử lý nhiều dữ liệu điểm để tổng hợp, báo cáo mình chọn mua một khóa học VBA của trên excel, khóa học này được tặng thêm một khóa học Cơ bản về excel nên tiện cả đôi đường.
Hôm trước, khi chia tay anh em ở phòng, ông anh thân tình bảo, chưa biết Thùy thì sẽ hỏi ai cho những việc mà anh loay hoay cả sáng chưa xong mà Thùy xử lý trong vào click chuột.
Cũng có lẽ vì thường xuyên cập nhật nên khi phải tổng hợp gì lớn của cơ quan mình cảm thấy dễ dàng hơn đôi phần. Mình cũng thường cũng ghi lại chi tiết các bước xây dựng biểu mẫu đề những người khác dễ hiểu và dễ làm theo.
Giảng viên có cộng đồng tốt
Khi tìm hiểu thông tin về giảng viên mình sẽ thường truy cập về các tài khoản facebook hoặc youtube của các giảng viên.
Với facebook
Các thông tin được tìm kiếm sẽ bao gồm:
Giảng viên có fanpage không? Fanpage có bao nhiêu thành viên, hoạt động tích cực không (số page trên ngày hoặc trên tuần).
Giảng viên có group không? Group có bao nhiêu thành viên, hoạt động tích cực không (số page trên ngày hoặc trên tuần). Có nhiều câu hỏi của các thành viên không phải là các tài khoản quản trị không? Thời gian phản hồi có nhanh không.
Các thông tin trên sẽ giúp mình có góc nhìn cơ bản về uy tín của giảng viên trong cộng đồng và kinh nghiệm dày dặn không?
Khi lựa chọn các khóa học, điều kiện tiên quyết là mình cần học được những kinh nghiệm riêng từ những thực tế trải nghiệm của giảng viên. Với các kiến thức cơ bản, mình thích tiếp thu từ các blog hơn.
Với youtube
Với youtube, mình sẽ truy cập kênh và xem 5 – 10 video trên kênh về khóa học mình muốn học. Trong các video này, thường thì các giảng viên sẽ chia sẻ về những mẹo, cách giải quyết vấn đề thường gặp phải của học viên. Những video này sẽ giúp mình có cảm nhận tốt hơn trải nghiệm của giảng viên.
Tự tạo cơ hội để chia sẻ lại kỹ năng thu nhận được cho những người khác
Trong công việc, mình thích là người khám phá, mày mò và tạo ra mô hình để sau đó hướng dẫn lại cho người khác để tiếp tục tìm kiếm những mô hình mới.
Tư duy này giúp mình hai việc: một là mình có thể rèn khả năng đơn giản hóa các vấn đề phức tạp (vì khi hướng dẫn lại thì người tiếp nhận rất đa dạng về nội dung mình hướng dẫn) nên các kiến thức, kỹ năng phải được trình bày thật dễ hiệu; hai là rèn luyện kỹ năng truyền đạt.
Khi học là một chuyện, khi chuẩn bị bài chia sẻ là một chuyện khác và khi hướng dẫn cụ thể là một chuyện hoàn toàn khác nữa. Hành trình này thường sẽ cho mình thêm rất nhiều những góc nhìn khác, đôi khi là khám phá thêm những tính năng mới của một công cụ tưởng chừng như rất quen thuộc.
Ví dụ với các buổi chia sẻ về làm CV với Canva, mình đã chia sẻ tổng cộng 4 buổi. Hai buổi đầu tiên là thông báo trên facebook cá nhân và có khoảng 100 bạn tham gia cho hai buổi ấy.
Sau đó khoảng 1 năm, khi nhận lời mời hướng dẫn cho hơn 300 bạn khác, mình rà soát lại và tự hỏi, sao năm ngoài mình làm bản trình bày phèn thế này. Mỗi lần nhìn thấy mình phèn, là tự mỉm cười.
Thực hành kỹ năng marketing cho các khóa học mình đã học
Vì sao lại đặt câu hỏi này? Vì khi có nó trong đầu mình sẽ có suy nghĩ so sánh những kiến thức, kỹ năng thu nhận được so với kiến thức nền đang có của mình trong lĩnh vực đó. Từ đó có góc nhìn tốt hơn về giá trị của khóa học. Khi vận dụng vào công việc cũng dễ nhìn các khó khăn của mình toàn diện hơn.
Còn vì, khi làm affiliate thì mình sẽ giảm được học phí nữa.
Phần khác cũng vì, các bạn bè thường hay hỏi mình khi tham khảo, anh có khóa học nào có thể giúp em cải thiện việc này không. Thường thì mình chỉ giới thiệu chia sẻ mình đã thực sự học và có ích. Những khóa không tốt thì cũng nói luôn là không nên.
Một số lưu ý khi tham gia các hóa học để đạt được hiệu quả nhất
Mình từng chứng kiến rất nhiều người tham gia các khóa học mà sau khi kết thúc lại hỏi lại những gì giảng viên đã nói. Có thể mình không phải là người giỏi đa nhiệm nên vào một thời điểm mình chỉ chọn làm một việc thôi. Sau đây là một số kinh nghiệm học tập mình đã áp dụng và thấy khá hiệu quả:

Khi học, chỉ học
Với các khóa học trực tiếp mình sẽ cố gắng sắp xếp công việc để không bị xen ngang trong thời gian học.
Với các khóa học trực tuyến, mình thường chọn thời điểm đêm (sau 22h) để học vì khi đó mọi xao nhãng bên ngoài lởn vởn xung quan tâm trí nữa. Các thiết bị điện tử khi đó cũng đã được cài đặt chuyển sang chế độ không làm phiền.
Đa nhiệm là kẻ thù số 1 của học tập
Tích cực chia sẻ các kiến thức nền của mình về vấn đề khi thảo luận
Việc này thường giúp mình sắp xếp cách trình bày hoặc bổ sung thêm góc nhìn cho những gì mình đang biết. Chia sẻ luôn là cách học nhanh nhất.
Tích cực tham gia cũng là một cách nhanh nhất để người khác nhận ra bạn hoặc biết đâu khi nào đó, sẽ trở thành đối tác của bạn. Vì mỗi người sẽ chỉ mạnh về một điểm nhất định.
Tự xây dựng bản trình chiếu để sẵn sàng chia sẻ lại
Việc này giúp mình tổng hợp lại các kiến thức logic hơn và cũng yêu cầu mình cần đào sâu hơn về những nội dung cảm thấy chưa tự tin. Sau này, khi áp dụng, các thực tiễn sẽ là những ví dụ sinh động cho các bài chia sẻ sau này.
À, việc này sẽ giúp mình vọc vạch kỹ hơn về Canva nữa.
Bạn có thể cũng quan tâm về các kỹ năng mình đã học trên hành trình trở thành freelance writer