Cuối tuần vừa rồi, tôi có buổi chia sẻ cho khoảng 50 sinh viên các khóa trong trường về cách viết CV xin việc bằng Canva. Khi thảo luận, tôi đã chùng lại với hai câu hỏi: em còn một năm nữa, em cần chuẩn bị những gì ạ? Em không biết mình muốn gì thì phải làm sao ạ? Hai câu hỏi cứ xoáy sâu vào tâm trí mãi.

Tôi vẫn biết, việc hướng dẫn các em chuẩn bị một bản CV được bố cục cân đối, một bản phối màu phù hợp với nhận diện thương hiệu của nhà tuyển dụng cũng chỉ là khoác lên một chiếc áo mới hợp gu đội ngũ tuyển dụng, hứ không giải quyết được triệt để câu hỏi các bạn đang phải đối mặt.
Tôi cũng biết với những nơi có công việc tốt (có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, mức chi trả cao và văn hóa riêng), đội ngũ tuyển dụng của họ cũng sẽ có cách để lựa chọn được những ứng viên có chất tốt hơn là vẻ bề ngoài hào nhoáng.
Vậy, các em cần được hướng dẫn những gì để khi hoàn thành chương trình đào tạo, đa số các em đều tự tin với những hành trang đã có. Chỉ có một cách thôi, hãy chỉ cho các em một con đường cụ thể, đừng rao giảng về những kỳ vọng.
Bạn có thể cũng quan tâm đến các một số gợi ý để các bạn sinh viên năm nhất lên kế hoạch cho thời gian học đại học.
Vì sao phải hướng dẫn sinh viên chuẩn bị CV từ năm nhất lại hiệu quả?

(CV là bản mô tả ngắn gọn nhất các thông tin về ứng viên như quá trình đào tạo, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí ứng tuyển)
Thông thường, các trường đại học sẽ có những buổi hướng dẫn chuẩn bị CV cho sinh viên năm 3 hoặc năm 4, thời điểm trước khi các bạn phải đi xin việc. Khi đó, sẽ có nhiều bạn vẫn còn loay hoay như các bạn phía trên.
Vì vậy, các trường đại học nên đề cập đến việc này sớm cũng là để giúp số lượng các bạn sinh viên lưu tâm đến việc này nhiều hơn, vì trong thực tế thì các bạn năng động thì luôn sẵn sàng chuẩn bị việc này trong quá trình đi làm thêm ở các nơi rồi.
1.Vì CV chỉ cho sinh viên năm nhất biết mình có gì.
Bản CV yêu cầu ứng viên mô tả bản thân là ai, có kỹ năng gì phủ hợp với vị trí ứng tuyển và kỹ năng đó được hình thành như thế nào. Khi chuẩn bị, các bạn sẽ cần chuẩn bị 02 bản CV: một là, bản CV tổng thể gồm tất cả những gì bản thân tham gia và đạt được và hai là, một bản CV phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Đó là “câu chuyện” có kết cấu chặt chẽ và logic. Ví dụ, phần kỹ năng mô tả là thành thạo word, excel, powperpoint thì phần chứng chỉ/đào tạo mà không có các chứng chỉ về tin học cơ bản là không ổn rồi. Hoặc chứng chỉ Ielts sẽ phù hợp với câu mô tả Tiếng Anh thành thạo.
Bạn có thể tham khảo các thông tin cần thiết trong CV trong bài viết 3 BƯỚC ĐƠN GIẢN TẠO SƠ YẾU LÝ LỊCH BẰNG CANVA – BƯỚC 2 LÀ QUAN TRỌNG NHẤT của tôi.

2. Vì CV chỉ cho sinh viên năm nhất biết mình cần đạt được gì
Nguyên tắc quan trọng nhất trong khi chuẩn bị CV là những thông tin trong CV phải phù hợp với vị trí tuyển dụng. Các bạn có thể có có bản CV tổng thể dài 10 trang với rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng đã chuẩn bị trong 4 năm học. Nhưng khi chuẩn bị CV ứng tuyển, các bạn chỉ nên chọn năm đến bảy kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp nhất với các yêu cầu được nêu trong thông báo tuyển dụng.
Năm đến bảy kỹ năng, kinh nghiệm đó chính là những điều các bạn cần tự trang bị cho mình trong khoảng thời gian là sinh viên để hành trang bước vào nghề của mình được đầy đặn.

Bạn có thể tham khảo cách tổng hợp kỹ năng cần thiết bằng cách tìm các vị trí tuyển dụng cho ngành học để xây dựng danh sách các kỹ năng cần “tốt nghiệp” từ khi là sinh viên năm nhất.
3. Vì chuẩn bị CV từ năm nhất giúp sinh viên lên được kế hoạch trong từng năm
Từ năm đến bảy kỹ năng, kinh nghệm quan trọng nhất, các bạn cần tìm hiểu các hoạt động ngoại khóa phù hợp của Trường, các hoạt động làm thêm bên ngoài hoặc các hoạt động tình nguyện… Với mục tiêu rõ ràng, các bạn sẽ lập được kế hoạch tham gia, học tập và thi các chứng chỉ phù hợp cho nghề nghiệp tương lai.
Hiện tại các trường đều sẽ công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo và bảng tổng hợp, so sánh sự đóng góp của các học phần đối với từng kỹ năng. Các bạn sinh viên nên tìm hiểu kỹ, biết và tập trung thời gian phù hợp cho các học phần giúp hình thành kỹ năng căn bản nhất của ngành.
Việc này cũng sẽ giúp các bạn có trọng tâm hơn khi đi tham gia các hoạt động thực tập tại các công ty, cơ sở và đạt được kết quả tốt hơn.
Tục ngữ có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, việc chuẩn bị một CV có bố cục và đồ họa bắt mắt chỉ là “sơn một lớp sơn mới” cho bản giới thiệu bản thân. Nhưng điều các nhà tuyển dụng tìm luôn là “một chất gỗ tốt”.
Trackbacks/Pingbacks